- 2015 là năm được dự báo sẽ có đủ thứ “mùi” ô nhiễm nếu không quản lý tốt
Năm 2014 đã qua với nhiều biến động, khó khăn và thách thức, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là môi trường sống của người dân. Đây cũng là năm ghi dấu ấn về những thành công của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường là tiền đề để xây dựng và từng bước hoàn thiện việc phân vùng môi trường, xác định khả năng tiếp nhận của những thành phần môi trường nhằm hoạch định các định hướng bảo đảm phát triển bền vững, xây dựng mạng lưới quan trắc cũng như dữ liệu môi trường nền phục vụ việc phân tích, đánh giá các tác động môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường. Năm 2014, hơn 300 đối tượng và 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử phạt với tổng số tiền hơn 62 tỉ đồng; 37 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị tạm đình chỉ hoạt động.
Tỉ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ngày càng tăng. Đến nay, 148/194 KCN trên cả nước (đạt 76,3%, tăng 7 KCN so với năm 2013) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, 19 KCN (10%) đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, 13,7% KCN hoạt động trước khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Tuy nhiên, 2015 là năm được dự báo sẽ có đủ thứ “mùi” ô nhiễm nếu không được quản lý tốt. Môi trường đô thị đang dần được cải thiện nhưng môi trường nông thôn ngày càng xuống cấp về mặt quản lý nước thải, rác, bảo vệ nguồn nước uống… Ở nhiều vùng nông thôn, 100% trẻ em bị giun sán do thiếu nhà vệ sinh, thiếu tuyên truyền về sự nguy hại của phân người không được kiểm soát.
Việc đốt rác sinh ra dioxin thì ai trong ngành cũng biết nhưng không thấy các cơ quan y tế, môi trường… cấm và chỉ dẫn cách quản lý rác tốt hơn. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, các vùng nông thôn tươi đẹp sẽ bị nhiễm dioxin ngày một nghiêm trọng.
Các loại hóa chất bị cấm hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng vẫn còn dùng tràn lan. Chợ Kim Biên (TP HCM) là một ví dụ điển hình: ngang nhiên buôn bán bao nhiêu thứ độc hại từ lâu nay. Hóa chất đi vào đồng ruộng, nương rẫy, ao tôm cá… Nguy cơ lớn nhất là hóa chất độc trong thực phẩm nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là hàng nhập lậu.
Hóa chất đi vào cơ thể con người, trước mắt không thấy gì nhưng cả dân tộc này sau vài chục năm nữa rồi sẽ ra sao? Viêm gan? Viêm tụy? Ung thư? Sinh con dị dạng? Gien bị biến dạng? Tức là tác hại của nó có thể không lường được, không thể nào tưởng tượng nổi.
Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt được tiến độ đề ra. Nhiều KCN, khu dân cư không có hệ thống nghiền và xử lý chất thải ở mức chuẩn tối thiểu. Chất thải không qua xử lý được xả ra sông, hồ xung quanh các thành phố.
Các con sông như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sài Gòn… vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều công nghệ xử lý nước thải đã được phát triển và ứng dụng ở Việt Nam (công nghệ vi sinh, ozon, màng, xúc tác quang hóa…) nhưng vì nhiều lý do, các doanh nghiệp vẫn phải nhập công nghệ từ nước ngoài..
Tất cả các vấn nạn về môi trường nêu trên đều có tầm mức lớn lao trong lâu dài, không thể giải quyết ngày một ngày hai là xong. Giá như các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm soát môi trường thiết lập được mối liên kết chặt chẽ với giới truyền thông để hằng ngày, hằng giờ thông báo cho công chúng các chỉ số ô nhiễm môi trường thì nhận thức của xã hội sẽ thay đổi, từ đó hình thành động lực hành động nhằm bảo vệ môi trường.
Tô Văn Trường/NLĐ